Trang chủ

Thủy tổ Bùi Công Mẫn-người lập làng Nộn Khê,Yên Từ, Yên Mô, Ninh Bình

 
 
 

Đối với người Việt nam thì làng, bản là quen thuộc, thân thương, là cáí nôi, là tổ ấm, là máu thịt, là tâm hồn. Vì vậy hai chữ “làng tôi” đối với người xa quê là bao kỉ niệm, là một niềm tự hào. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà thơ, nhạc sĩ đã lấy nó làm đầu đề cho bao bài thơ, bài hát để gửi gắm nỗi lòng mình. Với tôi, xa quê từ thuở lên mười, đã đặt chân lên gần như khắp năm châu, bốn biển, và mọi miền của đất nước, đến nay đã ngoài bẩy mươi xuân, cũng có thể gọi là ở cái tuổi gần đất, xa trời mà “Làng tôi” của tuổi ấu thơ vẫn hiện lên rõ nét từng chi tiết như một bức tranh ở trước mặt. Đó là làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, một làng quê của vùng đồng bằng Bắc bộ.

Cổng làng Nộn Khê, Ninh Bình

“Làng tôi” có từ lâu lắm rồi, theo “PHẢ KÝ THẾ TỘC HỌ BÙI” thì từ niên hiệu Hồng Đức thứ nhất 1470 “Cụ Thủy tổ đời thứ nhất BÙI CÔNG MẪN. tên tự là Do Sinh, quê gốc Lục nộn, Nam châu theo kế dinh điền vào Côi khê mộ dân, lập ấp rồi ở lại Côi khê. Cụ lấy chữ Nộn của ấp Lục nộn quê cũ và chữ Khê của đất Côi khê quê mới đặt tên nơi ở mới là ấp Nộn khê. Từ đấy mà cụ thủy tổ ta đã trở thành người tạo lập ra làng quê này, được vua phong tước hiệu CHIẾM XẠ CHƯ HƯƠNG TIÊN SINH. Những người trong ấp từ ban đầu thờ tự Cụ Chiếm Xạ, hằng năm vào ngày 14 tháng Giêng, dịp tết Thượng nguyên, tiến hành Lễ Báo Bản. Cụ tổ đời thứ hai là BÙI SƯ ĐIỂM, tên tự là Thụ Đức nối theo trí hướng đời trước mở mang tiếp để tạo thành cương giới lên tới 375 mẫu, 5 sào, 5 thốn và dâng sớ lên nhà vua được quyền sở hữu. Niên hiệu Đại Chính thứ năm (1533, thời vua Mạc Thái Tông 1530-1540) nhà vua sắc chỉ nghị cấp cho ấp Nộn khê cấy cày, nộp thuế như lệ. Niên hiệu Thuần Phúc thứ hai (1563, thời vua Mạc Mậu Hợp 1562-1592) Yên mô làm giấy giao cho Nộn khê toàn bộ đất đai…Như vậy Cụ BÙI SƯ ĐIỂM là người mở rộng và cầy cấy tiếp trên đất đai này và được vua phong là KẾ CANH CHƯ HƯƠNG TIÊN SINH. Đất Nộn khê đến nay đã trở thành nơi văn hiến, công đức của hai vị có thể khảo rõ tại bản hương…
Noi theo các vị thăng tiến trên đường khoa hoạn, nhiều vị lập chiến công nơi biên viễn hoặc làm hào trưởng trong Châu, các vị ấy đều là những người kế thừa một cách vẻ vang vậy…
Việc ghi chép tường tận như vậy là để con cháu đời sau khi giở tấm Phả thì thấy những điều đã ghi chép trong đó mà biết được trước sau và công đức của tổ tông là vô cùng vô tận…”
Nửa sau thế kỷ 15 là thời kỳ hoàng kim của đất nước, giai đoạn vua Lê Thánh Tông, một minh quân trị vì, là đỉnh cao của thời kỳ hoàng kim này. Cụ thủy tổ họ Bùi Chiếm Xạ về Côi khê năm 1470 theo chủ trương của nhà vua về khai khẩn đất hoang, cũng trùng hợp với một sự kiện của vùng Yên mô, theo sử sách thì năm 1471 vua Lê Thánh Tông cho đắp một con đê từ Tiểu Nha đến Đại Nha , tức từ Yên Lâm huyện Yên Mô đến Khánh Cường huyện Yên Khánh. Yên Mô là tên huyện có từ thời nhà Minh đô hộ nước ta (1414-1427, Minh Thành Tổ), cùng thời với Bình Định Vương (Lê Lợi khởi nghĩa 1418-1427) Nộn Khê cũng là một địa danh có vào loại sớm ở Yên Mô. Như vậy. từ 1470 cho đến ngày hôm nay đã tròn 9 hội, đúng 540 năm, và năm 1470 là năm Canh Dần thì 2010 cũng là năm Canh Dần. Nộn có nghĩa là non, tức là mới, còn Khê nghĩa là suối, Nộn Khê là Dòng Suối Mới. Theo sách các làng Bắc Việt nam năm 1952 thì Lục nộn thuộc tổng Tiên xá, huyện Duy tiên, tỉnh Hà nam, nay là thôn Trúc sơn (Lục nộn trước đây), xã Tiên tân, huyện Duy tiên, tỉnh Hà nam. Nhớ tới công đức tạo lập nên làng Nộn khê nên dân làng đã tôn cụ Bùi Công Mẫn, thủy tổ họ Bùi Chiếm Xạ là Thành Hoàng của làng Nộn khê, ở đình làng Nộn Khê trước đây có một bức đại tự: “CÔNG ĐỨC BẤT THIÊN” nghĩa là công đức không chuyển dịch.
Từ trước tết nguyên đán, mọi người đã chuẩn bị cho lễ Báo Bản, báo bản là báo công với tiên hiền. Con cháu làng Nộn Khê, bất kể thuộc dòng họ nào, dù đi làm ăn ở nơi đâu trên lãnh thổ Việt nam hoặc những người đã rời quê hương sinh sống ở nước ngoài đều về dâng hương trong lễ Báo Bản tại đình làng Nộn Khê và cũng là dịp thăm bà con, họ hàng, làng xóm. Những người không có điều kiện về quê thì cũng hướng về đất tổ hoặc gửi lễ về để biểu thị lòng thành kính, biết ơn đối với Tiên Hiền. Theo thông lệ thì sáng ngày 13 tháng Giêng âm lịch làng đem kiệu vào nhà thờ Tổ họ Bùi Chiếm Xạ để rước cụ thủy tổ Bùi Công Mẫn ra đình làng và lễ Báo Bản chính thức được tiến hành vào sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ sáng sớm, toàn thể dân làng, già trẻ, gái trai đã tụ họp đông đủ, nhộn nhịp với loa phóng thanh, cờ xí tưng bừng. Đại diện các dòng họ và các hội đồng hương đã tề tựu. Vị chủ tế thay mặt tất cả các dòng họ đọc văn tế Báo Bản và nghi thức tế lễ được tiến hành, sau đó đại diện chính quyền đia phương dâng hương, tiếp đó con cháu họ Bùi Chiếm Xạ được mời dâng hương đầu tên, rồi lần lượt đến các dòng họ khác trong làng và đại diện các hội đồng hương các tỉnh, thành phổ trong cả nước. Cùng với lễ là tiến hành hội với các trò chơi như cờ người, tổ tôm điếm, đánh đu, chọi gà, các cụ còn tổ chức ngâm thơ, bình thơ v.v.. và chợ ẩm thực truyền thống vào tối 12 và 13 tháng Giêng. Lễ báo bản diễn ra trang trọng, kính cẩn với một tâm niệm nhớ ơn Tiên Hiền đã có công tạo lập và xây dựng làng Nộn Khê hơn 5 thế kỷ nay thành nơi văn hiến và trù phú. Văn tế cổ của lễ Báo Bản đã thất truyền chỉ còn lại bốn câu như sau:

Báo Bản Lễ Văn
Bi bồng phạt địch
Hữu khai tất tiên
Quyết cư vĩnh điện
Công đức bất thiên

Lễ Văn Báo Bản (bản dịch)
Cắt cỏ, phạt gai, đắp bờ, mở lối
Có công khai phá tự thuở ban đầu
Lập nên cơ sở vững chắc dài lâu
Công đức ấy không bao giờ thay đổi…

Trong Văn tế lễ Báo Bản ngày 14 tháng Giêng năm Đinh Mão (1987) của soạn giả Phạm Phơn, một trong số những người hiểu biết rộng và nổi tiếng là nhà thơ của làng ở khổ 2 cụ đã khẳng định:
“………….
Quê hương ta
Trải đã bao đời
Ghi trong kí ức:
Nguyên gốc cũ Lục nộn, Nam châu
Tự thuở xưa Lê triều Hồng Đức
Theo kế dinh điền;
Phát huy tiềm lực
Bãi bồi, biển mặn, ngăn đập, quai đê;
Đồng ruộng, dân cư, lập nên khu vực.
Chiếm xạ Bùi công đặt móng, xây nền
……………………………………….”